PDA

View Full Version : Hiện đại hóa đất nước với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững


tai-viet
21-08-2012, 10:16 AM
Hiện đại hóa đất nước với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững <br>
Phát triển bền vững (PTBV) là một quá trình nâng cao chất lượng cuộc sống cho chúng ta ngày hôm nay và cho cả các thế hệ mai sau. Để bảo đảm PTBV phải kết hợp hai hòa ba yếu tố: Tiến bộ xã hội đáp ứng nhu cầu của mọi người dân; bảo vệ môi trường (BVMT) và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên; tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định.​ Quá trình công nghiệp hóa hơn hai thế kỷ qua đã làm tăng của cải trên Trái đất gấp mấy trăm lần, đưa lại sự giàu có, phồn vinh cho nhiều quốc gia, nhưng đó là cách sản xuất, khai thác ào ạt và tiêu thụ ào ạt, do chạy theo lợi nhuận, vì những lợi ích trước mắt, đã lạm dụng thái quá nguồn tài nguyên thiên nhiên, bất chấp môi trường sống của con người và những điều kiện cho sự phát triển trong tương lai. Đó còn là do sự hạn chế về khả năng công nghệ. Rõ ràng, ngày nay các nước đi sau không thể lặp lại con đường công nghiệp đó được mà phải đi theo hướngcông nghiệp hóa sinh thái, công nghiệp hóa nhân văn, tuân thủ nguyên tắc PTBV. Thế giới ngày nay đang chuyển sang nền kinh tế tri thức, lực lượng sản xuất từ dựa nhiều vào vật chất đang chuyển sang dựa nhiều hơn vào trí lực và sức sáng tạo của con người. Nhờ sử dụng các tri thức mới, các quá trình sản xuất mới dựa vào công nghệ cao và công nghệ thông tin, cho nên của cải tạo ra nhiều hơn mà tiêu hao tài nguyên và năng lượng ít đi, tổng trọng lượng của sản phẩm tăng không đáng kể. Do vậy, phát triển kinh tế tri thức là nhằm mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Chỉ có phát triển kinh tế tri thức mới giải quyết được mâu thuẫn giữa công nghiệp hóa và suy thoái môi trường, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững. Nước ta đã sớm có Chiến lược BVMT, Luật BVMT, hệ thống quản lý nhà nước về môi trường. Trong thời gian qua đã có nhiều cố gắng và tiến bộ trong BVMT, bảo vệ thiên nhiên, nhất là khôi phục và phát triển rừng, ngăn ngừa, hạn chế được một phần nạn ô nhiễm do các hoạt động sản xuất gây ra, đã xử lý được một số trường hợp sự cố môi trường… Theo nghiên cứu của nhiều chuyên gia môi trường nước ta, tỷ lệ tốc độ tăng ô nhiễm so với tốc độ tăng GDP ở nước ta thấp hơn một số nước có cùng trình độ. Thế nhưng nhìn chung tình trạng môi trường nước ta vẫn đang trong chiều hướng suy thoái nghiêm trọng. Nạn ô nhiễm ở các khu công nghiệp đang gia tăng, nhiều nơi đang là vấn đề nan giải. Ở các khu dân cư, nhất là các đô thị lớn, ô nhiễm không khí, ô nhiễm các nguồn nước khá nặng đang chờ những khoản đầu tư rất lớn để giải quyết; cả đến vùng nông thôn cũng không còn trong lành như trước đây, việc sử dụng ào ạt các hóa chất cho nông nghiệp (phân bón, thuốc trừ sâu, chất bảo quản…), cộng với tập quán sản xuất và sinh sống lạc hậu đã làm cho môi trường bị ô nhiễm. Hầu như đâu đâu cũng đang phải đối phó với vấn đề ô nhiễm. Đáng quan tâm là việc thực thi pháp luật về môi trường không nghiêm minh. Nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm luật môi trường, buộc phải ngừng sản xuất, nhưng vẫn cứ tiếp tục. Cả nước có đến hàng chục nghìn cơ sở, qua kiểm tra được liệt vào “danh sách đen” phải xử lý, vẫn cứ tồn tại; lý do chỉ vì thiếu kinh phí, hoặc không giải quyết được việc làm cho công nhân, không thực hiện được chỉ tiêu kế hoạch nếu phải ngừng sản xuất. Trong giai đoạn tăng tốc, đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay, vấn đề nổi cộm hàng đầu là giải quyết mối quan hệ giữa lợi ích kinh tế và lợi ích môi trường, mà thực chất là giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài. Thử lấy trường hợp sau làm ví dụ: Thành phố Hạ Long có Vịnh Hạ Long hai lần được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới và hiện nay đã được bình chọn là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới, nơi lý tưởng cho phát triển du lịch, thì nên tính toán, cân nhắc phát triển công nghiệp dịch vụ gì? Đương nhiên du lịch phải là hàng đầu, nhưng còn phát huy các thế mạnh khác nhau như thế nào? Cần có cảng nước sâu bảo đảm khối lượng vận chuyển lớn, cần khai thác than, nguồn tài nguyên truyền thống quan trọng của cả nước, rồi còn cần phải xây dựng các nhà máy nhiệt điện… mà những việc ấy đều có khả năng gây ô nhiễm, có thể đánh mất Vịnh Hạ Long. Phải chăng là ngoài ngành du lịch, cần phát triển các ngành công nghiệp sạch, các ngành dựa vào tri thức, trong đó có nhiều ngành gắn với du lịch; xây dựng cảng là cần thiết nhưng có các giải pháp phòng ngừa, bảo đảm không gây ô nhiễm biển; khai thác than cần đưa ra xa thành phố và phải tuân thủ nghiêm ngặt Luật Môi trường; phần tài nguyên chưa khai thác vẫn giữ nguyên lại đó cho thế hệ mai sau, lúc đó có thểcó những công nghệ mới khai thác mà không gây ô nhiễm; nhà máy nhiệt điện có thể đặt ở xa thành phố, mà vẫn gần các mỏ than… Lời giải tối ưu phải trên cơ sở phân tích kinh tế dài hạn, trong đó có phân tích kinh tế về môi trường, coi môi trường là yếu tố cơ bản của sản xuất và của chất lượng cuộc sống. Những bài toán về môi trường như thế đang đặt ra ở khắp nơi khi xây dựng chiến lược phát triển. Tương tự như thế trong Khu tam giác phát triển, phía Nam phát triển công nghiệp như thế nào trong mối quan hệ với lưu vực sông Đồng Nai, sông Thị Vải, với diện tích rừng ngập mặn; Vùng Đồng bằng sông Cửu Long với hộ sinh thái đặc thù của nó, bố trí quy hoạch nông, lâm, thủy sản, công nghiệp vừa qua đã phát sinh rất nhiều mâu thuẫn; và biết bao nhiêu khu dân cư, khu công nghiệp, các công trình cụ thể khác đều cần có lời giải tối ưu cho bài toán phát triển mà gìn giữ được môi trường. Để giải quyết những vấn đề căn bản như thế cần đứng trên quan điểm kinh tế tri thức, tức là dựa nhiều hơn vào nguồn lực trí tuệ, ít hơn vào tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế. Tài nguyên là có hạn, phần lớn tài nguyên là không tái sinh, các hệ sinh thái tự nhiên một khi phá đi khó lòng hồi phục được. Với tri thức và năng lực sáng tạo, con người có thể phát huy các giá trị của tự nhiên ban cho mà không làm tổn hại nó; không nên vay mượn của các thế hệ mai sau vì cuộc sống hôm nay. Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, nếu không quan tâm từ đầu đến BVMT thì tăng trưởng kinh tế được một thời gian ngắn, sau đó chậm lại. Có những dự báo cho rằng, ở nước ta nếu không cải thiện được tình hình BVMT thì sau 5-7 năm nữa khó có thể có tốc độ tăng trưởng cao. Nhân tố có tính quyết định nhất đối với BVMT là nhận thức của xã hội, của mọi người, mà trước hết là của các cấp lãnh đạo. Đây là cách nhìn nhận và cách giải quyết vấn đề về mối quan hệ giữa trước mất và lâu dài, giữa cục bộ và tổng thể. Trước hết, BVMT phải được coi là một mục tiêu cơ bản trong chiến lược phát triển. Môi trường là điều kiện sống của con người và là yếu tố của sản xuất. Sin-ga-po, một hòn đảo nhỏ, đất chật người đông, đã gìn giữ được môi trường trong lành trong quá trình công nghiệp hóa, nên sức khỏe của người dân tốt, kinh tế tăng trưởng nhanh. Trong các chiến lược, các kế hoạch phải có các chỉ tiêu cụ thể cần đạt được về chất lượng môi trường. Hiện nay, trên thực tế BVMT chưa đươc coi là nguyên tắc cơ bản trong phát triển sản xuất, vẫn còn tình trạng xem nhẹ vấn đề môi trường, nặng về sản xuất đáp ứng những nhu cầu trước mắt. Trong nhiều trường hợp còn chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà hy sinh môi trường, hậu quả rất nan giải. Vấn đề môi trường thường được đề cập một cách chung chung, chưa đậm nét, không cụ thể trong các chiến lược, kế hoạch, kinh tế-xã hội. Đặc biệt là trong các quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, bố trí sản xuất thường không xem xét kỹ vấn đề BVMT; có một số trường hợp khi dự án đang triển khai thì phải dừng lại vì không có giải pháp BVMT. Hê thống pháp luật phải quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mọi công dân, mọi tổ chức, nhấtlà các doanh nghiệp trong việc BVMT. Tăng cường nghiên cứu phân tích kinh tế về môi trường, từ đó đi tới các chính sách tài chính và công cụ quản lý về môi trường. Có nhiều vấn đề đặt ra: Yếu tố môi trường được tính trong GDP như thế nào hay không tính đến? Rõ ràng nếu để sản xuất làm suy thoái môi trường thì sau đó khó phát triển sản xuất, khó có tăng trưởng; chi cho BVMT để nâng cao chất lượng môi trường sẽ làm tăng GDP, có tính không? Trên cơ sở đó quy định mức chi ngân sách nhà nước cho BVMT, mức chi cho BVMT trong các dự án, trong các doanh nghiệp, xác định mức đền bù do gây ô nhiễm theo nguyên tắc ai gây ô nhiễm người ấy trả. Nếu không phân tích kỹ về kinh tế môi trường thì rất dễ chấp nhận cách sản xuất ào ạt gây hại cho TN&MT, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Điều chỉnh cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng các ngành thân thiện với môi trường, sử dụng các công nghệ mới, công nghệ sạch, thực hiện ”sản xuất sạch” là nội dung và yêu cầu cơ bản của công cuộc công nghiệp hóa dựa vào tri thức, đó là hướng đi công nghiệp hóa-sinh thái. Chúý rằng xu thế hiện nay là các nước phát triển đang chuyển các ngành sản xuất không thân thiện môi trường cho các nước đang phát triển để rồi con đường công nghiệp hóa mà các nước đi trước đã trải qua. Cần biết tận dụng thời cơ kinh tế tri thức để chuyển hướng sang các ngành dựa nhiều hơn vào tri thức, tiêu hao ít tài nguyên, ít năng lượng, ít phế thải, giá trị gia tăng cao. Sẽ có rất nhiều khó khăn trong sự lựa chọn này, nhưng không phải khó khăn về tư duy, nhận thức, về vốn tri thức, về hệ thống quản lý; chọn hướng đi theo kinh tế tri thức là để giải quyết các khó khăn đó. Cách thức đầu tư và cơ cấu kinh tế như thời gian qua tuy có tốc độ tăng trưởng cao nhưng chất lượng và hiệu quả rất thấp, môi trường bị suy thoái nhiều so với tốc độ công nghiệp hóa. Cần phát triển mạnh công nghệ môi trường để trở thành một ngành mũi nhọn. Làm tốt công tác quản lý và xử lý chất thải, trên cơ sở thống nhất với nhau về quan điểm, nhận thức. <b>Phát triển các doanh nghiệp môi trường. </b> Nhanh chóng hoàn chỉnh và hiện đại hóa hệ thống theo dõi, kiểm soát, phân tích, đánh giá các yếu tố môi trường trên toàn quốc. Đây phải là một dự án lớn của quốc gia, có đủ nguồn vốn, sử dụng các công nghệ tiên tiến nhất và công nghệ thông tin. Tăng cường quản lý nhà nước về môi trường. Theo phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, cần rất chú trọng vào phòng ngừa ô nhiễm, bảo vệ thiên nhiên. Cần ngăn chặn từ gốc: Ngay từ trong chiến lược phát triển phải rõ các yêu cầu, các giải pháp BVMT. Trong các quy hoạch phát triển sản xuất, phát triển vùng, các dự án đầu tư, khi lựa chọn quy mô, địa điểm, công nghệ… phải phân tích kỹ tác động môi trường và biện pháp BVMT sinh thái. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm Luật BVMT. Khắc phục tình trạng quyết định đình chỉsản xuất các cơ sở gây ô nhiễm quá mức quy định nhưng không thi hành. Xử lý những người có trách nhiệm trong việc không thực hiện các quy hoạch đã duyệt, trong đó có giải pháp BVMT, cân bằng sinh thái. Nâng cao dân trí, nâng cao nhận thức, sử dụng công nghệ mới, tri thức mới trong tổ chức sản xuất kinh doanh là những nhân tố cơ bản trong sự nghiệp BVMT và PTBV. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đi đôi với BVMT là tiền đề quan trọng làm cho mùa xuân đất nước mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững. <i>Nguồn: VEA</i>