#1
|
|||
|
|||
Từ đầu năm đến nay, tuy hoạt động xuất nhập khẩu có nhiều khó khăn nhưng càng về cuối năm bức tranh xuất nhập khẩu có nhiều điểm sáng. Mặc dù vậy, những con số thống kê chỉ rõ những bấp bênh trong cơ cấu xuất nhập khẩu có thể ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Kim ngạch tăng cao hơn sản lượng Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu tháng 11/2011 ước tính có thể đạt 8,6 tỷ USD, tăng 2,45% so với tháng 10/2011; nhập khẩu tương ứng là 9,3 tỷ USD và tăng 1,7%. Như vậy, theo ước tính của các cơ quan chức năng, nhập siêu tháng 11/2011, sẽ vào khoảng 700 triệu USD. Những khoảng điều chỉnh nhỏ ở con số kim ngạch và cán cân thương mại quốc tế cho thấy sự ổn định đã được thiết lập trong khoảng hai tháng nay, khi đã loại trừ những cú sốc đến từ đột biến của xuất, nhập khẩu vàng. Nhưng đằng sau những chuyển dịch biên độ hẹp đó vẫn thấy những thay đổi lớn trong một số ngành hàng xuất, nhập khẩu chủ lực. Về xuất khẩu, không có nhiều mặt hàng tăng về kim ngạch, nhưng đã tăng là mạnh. Hàng loạt các mặt hàng nông sản đều giảm về kim ngạch xuất khẩu trong tháng 11/2011, ngược lại, cà phê, cao su tăng mạnh cả về lượng xuất và giá trị thu về. Các mặt hàng hóa chất, phương tiện vận tải và phụ tùng cũng tăng lớn về kim ngạch. Tuy nhiên, ở góc độ khác, nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực lại đuối sức vào đúng giai đoạn nước rút cuối năm. Ngoài ra, kim ngạch còn giảm sút ở các mặt hàng công nghiệp nhẹ như: dệt may, giày dép, túi xách ô dù, đồ gỗ… Kim ngạch xuất khẩu sắt thép, máy móc thiết bị, điện tử máy tính… cũng giảm đáng kể so với tháng trước. Tương tự, về nhập khẩu cũng có đến gần một nửa số mặt hàng giảm kim ngạch so với tháng trước. Sự điều chỉnh là khá lớn, mức giảm có nhóm trên 53%, nhưng cũng có nhóm tăng gần 47%. Khá nhiều mặt hàng là nguyên vật liệu sản xuất có mức tăng trưởng kim ngạch khá cao so với tháng trước, đáng chú ý là thức ăn gia súc, xăng dầu, hóa chất, sợi dệt, máy móc thiết bị… Kim ngạch nhập khẩu xe máy nguyên chiếc cũng tăng mạnh trong tháng này. Giá trị xuất khẩu 11 tháng tăng 34,7% so với cùng kỳ trong khi mức tăng của nhập khẩu chỉ là 26,4%. 11 tháng đầu năm 2011, có 19 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Mặt hàng dệt, may đạt kim ngạch xuất khẩu lớn nhất với giá trị xuất khẩu 11 tháng ước gần 12,83 tỷ USD. Tiếp theo là dầu thô đạt 6,72 tỷ USD và giày dép đạt gần 5,74 tỷ USD, thủy sản hơn 5,54 tỷ USD. Đồng thời có 18 nhóm mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu trên 1 tỷ USD. Máy móc, thiết bị, dụng cụ vẫn là nhóm có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất, hơn 13,7 tỷ USD. Tiếp theo là mặt hàng xăng dầu hơn 9,22 tỷ USD và điện tử, máy tính, linh kiện hơn 6,5 tỷ USD. Như vậy, 11 tháng nhập siêu khoảng 8,91 tỷ USD. Với những diễn biến mới được cập nhật, tính chung 11 tháng năm 2011, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 87,16 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm ngoái; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 96,07 tỷ USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ. Với kết quả này, xuất khẩu đã chính thức cán đích kế hoạch năm 2011 và vượt khá xa so với chỉ tiêu 80 tỷ USD đặt ra cho cả năm. Tương tự, nhập khẩu cũng về đích kế hoạch, với chỉ tiêu đặt ra là 94 tỷ USD. Như vậy, nhập siêu trong 11 tháng năm 2011 là 8,904 tỷ USD, bằng 10,22% tổng kim ngạch xuất khẩu cùng thời kỳ, con số này đang ở mức thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu phấn đấu 16% của năm nay. Vẫn còn nhiều mối lo Có thể cho rằng, ngoại thương Việt Nam đã có một năm thành công, xét ở mặt con số so với kỳ vọng. Xa hơn cho kế hoạch 5 năm (2011 - 2015), mặc dù tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu đã giảm mạnh, từ mức 29,2% (2007) giảm xuống mức 28,8% (2008), xuống 22,5% (2009), 17,5% (2010) và khoảng 10 - 11% (2011), nhưng quy mô còn rất lớn. Nếu như giai đoạn 2001 - 2005, nước ta nhập siêu chỉ có 19 tỷ USD thì đến giai đoạn 2006 - 2010 nhập siêu 63 tỷ USD. Và theo như kế hoạch 5 năm (2011 - 2015) mà Chính phủ trình Quốc hội, Việt Nam tiếp tục nhập siêu 68 tỷ USD. PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, tình trạng nhập siêu này sẽ kéo nợ nước ngoài gia tăng, gây áp lực lên tỷ giá. Trong khi đó, tỷ giá là yếu tố tác động nghiêm trọng đến lạm phát. Đặc biệt hơn là độ mở của nền kinh tế Việt Nam (tức là lấy xuất khẩu cộng nhập khẩu chia cho GDP) đã lên đến 166%. Với độ mở lớn như vậy Việt Nam rất nhạy cảm với “thời tiết” kinh tế của thế giới. Bài học có thể nhìn thấy từ các nước ASEAN là sau khi khủng hoảng tài chính tiền tệ họ đã kéo độ mở xuống như Thái Lan dưới 100% GDP, Indonesia là 36,7% và Philippines là 53,6%. Đặc biệt, các nước này đều xuất siêu trong khi nước ta lại là nước nhập siêu. Chưa kể hàng xuất khẩu của Việt Nam không có gì đặc biệt hơn so với hàng hóa của các nước như Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Chất lượng lại không cao nên sức cạnh tranh yếu. Hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là nông sản sơ chế và gia công, nên giá trị thu về cho đất nước thấp. Đây chính là lý do trong thời gian tới Việt Nam cần triển khai nhanh cơ cấu lại nền kinh tế, từng ngành, từng cấp đều phải sắp xếp, lựa chọn ngành ưu tiên phát triển, đặc biệt ưu tiên phát triển kinh tế tri thức, quan tâm phát triển khoa học công nghệ, đưa công nghệ vào sản xuất để tạo ra nhiều hàng hóa có hàm lượng chất xám cao phục vụ nhân dân và xuất khẩu. Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, để thực hiện mục tiêu tiến tới cân bằng kim ngạch xuất nhập khẩu trước năm 2020 cần kiên quyết kiểm soát nhập siêu theo hướng giảm dần cả tỷ lệ tương đối (%) lẫn số tuyệt đối hàng năm. Ngoài việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế gắn với tăng cường kiểm soát nhập khẩu trong kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 cần tập trung triển khai phát triển công nghiệp hỗ trợ, quy định việc chi tiêu mua sắm, đầu tư công phải sử dụng những hàng hóa, thiết bị máy móc đã sản xuất được trong nước và thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”./. Phước Long(Trích từ Thông tin tài chính số 23/2011) |
CHUYÊN MỤC ĐƯỢC TÀI TRỢ BỞI |
Công cụ bài viết | |
Kiểu hiển thị | |
|
|